Chắc hẳn chúng ta không còn lạ gì với từ “củ chuối” mà giới trẻ vẫn hay dùng để nói về anh chàng/cô nàng có vẻ hơi tào lao, vớ vẩn. Trong thực tế “củ chuối” là tên của một bộ phận trong cây chuối, đó là phần thân ngầm của cây, sở dĩ gọi là thân ngầm bởi vì bộ phận này mọc trong lòng đất, còn bộ phận thân chuối mà lâu nay chúng ta biết đến phần thân giả. 

Thân giả chính là các bẹ lá, được phát triển từ phần trên của thân ngầm. Củ chuối khi còn non có thể dùng để ăn được. Tuy nhiên với vị chát đặc trưng và hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong củ không cao nên người ta chỉ chủ yếu làm thức ăn cho gia súc. Khi nào đói khổ cùng cực như Lão Hạc của Nam Cao người ta mới đào củ chuối để ăn. Dù vậy, hiện nay một số nơi củ chuối vẫn được chế biến thành những món ăn rất ngon và trở thành đặc sản. Hãy cùng Đồng An Gia tìm hiểu một vài món ăn từ củ chuối có “tiếng tăm” thôi nào!

Tên củ chuối nhưng thật ra không hề “củ chuối”

Củ chuối nấu xương

Đây là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ tết ở xứ Đoài vùng ven Hà Nội. Nếu ai đã từng có dịp được đến đây và thưởng thức món ăn này thì chắc chắn đó sẽ là kỉ niệm khó quên, tuy dân dã mà ấm áp ngọt bùi.

Để làm món này, người ta chọn những cây chuối non, thân mới chỉ nhú lên mặt đất được vài chục cm, đào lấy củ mang về sơ chế. Nếu thích củ chuối trắng cho bát canh đẹp mắt thì chọn chuối lá, nhưng nếu là người sành ăn chắc hẳn sẽ chọn chuối tiêu, củ sau khi gọt tuy thâm nhưng lại mềm và ngon hơn. Củ chuối đào lên phải được sơ chế ngay bằng cách gọt bỏ phần vỏ sần sùi, bên ngoài, thái lát mỏng hoặc thái chỉ rồi ngâm vào chậu nước có pha chút mẻ cho chuối trắng và mềm. Sau khi ngâm chừng 20 phút thì dùng tay bóp nhẹ cho củ ra bớt nhựa, vắt khô rồi ướp với mẻ, mắm tôm cùng chút tương chừng nửa giờ. Xương heo chặt vừa miếng, luộc qua rồi rửa sạch, cũng ướp chừng ấy gia vị. Khi áng chừng nguyên liệu đã ngấm thì phi hành cho thơm, bỏ xương vào xào trước cùng chút nước. Chừng 10 phút thấy xương đã ngấm kỹ thì cho củ chuối vào tiếp tục xào cùng sao cho xương và củ quyện lại, củ chuối mềm, bóng mới đổ nước vào ninh. Tùy việc người ăn thích món canh nhiều hay ít nước mà thêm vào.

Món ăn này còn “thử thách” tính kiên nhẫn của bạn, khi mà thời gian để ninh món này phải lên tới hàng giờ đồng hồ. Thế nhưng bạn sẽ được đền đáp xứng đáng khi nồi củ chuối nấu xương hoàn thành. Mùi thơm của củ chuối và xương cộng với khói bay nghi ngút thật là ấm cúng, còn gì bằng khi thưởng thức món ăn này cùng với gia đình trong những dịp lễ tết đặc biệt. Củ chuối nấu sẽ hết vị chát, ngược lại ăn vào rất bùi, xương thì ngọt, ăn kèm với rau mùi thì thật khó để cưỡng lại sức hấp dẫn từ món ăn này.

→ Xem thêm: TOP 4 Món ăn giảm cân tự nhiên từ chuối cực đơn giản

Canh củ chuối Ðoan Hạ

Nguyên liệu của canh củ chuối Đoan Hạ là những củ chuối tơ mọc ở địa phương. Chúng được gọt sạch vỏ, rửa, bổ ra và thái rất mỏng như sợi miến. Những sợi củ chuối này sẽ được ngâm trong chậu nước có hòa mẻ để làm mất hết chất nhựa chuối.

Sợi củ chuối sẽ được trộn đều với xương sườn lợn băm nhỏ, mẻ, tương ngọt, mắm tôm đồng. Sau khi ngâm chừng 10-15 phút đổ thêm một bát mỡ rồi bắc lên bếp đảo đều cho săn sợi. Tiếp đó đổ nước lã ngập chừng một đốt ngón tay, đun sôi chừng 10-15 phút thì bắc ra trộn đều với rau xương sông, lá lốt đã thái nhỏ.   

Hương vị ngon lạ của canh củ chuối sẽ gây một ấn tượng khó phai đối với những thực khách được thưởng thức món ăn này.

Tên củ chuối nhưng thật ra không hề “củ chuối”

Gỏi củ chuối

Gỏi (nộm) củ chuối là một món ăn khá quen thuộc ở các tỉnh miền trung và đã được du nhập vào miền Nam. Ở địa phương gọi củ chuối là nham. Đây là một món ăn dễ làm, có thể dùng trong bữa ăn hằng ngày cũng như vào dịp lễ tiệc.

Để làm món này, phần non của củ chuối hột sẽ được rửa sạch và thái sợi, thái xong ngâm ngay vào nước lã cho khỏi thâm, sau đó đem luộc chín, xả với nước lạnh rồi vắt khô. Sau đó, trộn phần sợi này với muối, mì chính, đường, mắm tôm, tôm luộc bỏ vỏ, thịt ba rọi luộc xắt mỏng, đậu phộng rang chín, đập dập, giá trần sơ. Cuối cùng rắc lên trên lá chanh thái sợi và hạt đậu tương rang chín, xay nhuyễn.

Dùng với nước mắm pha chua ngọt, gỏi củ chuối có mùi vị thanh, ăn không ngán, không chứa nhiều đường và dầu mỡ.

Món ăn này không gây ngán  và có tác dụng giải nhiệt.

→ Xem thêm: Bạn đã biết tác dụng của lá chuối chưa?

Lươn um củ chuối

Đây mà một món đặc sản của vùng đồng bằng Bắc bộ, đã đi vào câu ca dao "Cá rô quyện với nồi rang/Còn như củ chuối, lươn vàng quyện nhau" và xuất hiện tại nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Với món ăn này, củ chuối hột (hoặc chuối tiêu) được rửa sạch, gọt vỏ rồi thái thành sợi nhỏ, đem ngâm với nước lã ngâm mẻ cho đỡ chát và đỡ thâm, sau đó trộn cho các gia vị bao gồm mỡ heo chưng, tương bần, nước mắm, bột canh, mì chính rồi để khoảng 20 phút cho gia vị ngấm. Mỡ lợn xào cho đến khi ra phần mỡ và tóp mỡ tách nhau ra thì ta cho tỏi hành vào phi thơm rồi cho những khúc lươn đồng nhỏ khoảng 3-5cm sẽ được xào và nêm gia vị. Tiếp đó, ta xào phần củ chuối đã ướp, cho thêm mẻ trắng rồi bỏ vào 1 chiếc nồi để đun sôi (tốt nhất là bằng nồi đất) liu riu khoảng 45 phút cho đến khi nước sánh. Sau đó cho phần lươn đã xào vào om cùng trong khoảng 5 đến 10 phút để lươn, chuối và các gia vị quyện vào nhau. Ngoài ra, có thể rắc thêm hành, lá lốt, tía tô, rau thơm, ớt thái nhỏ trang trí lên trên. Vậy là ta đã có món lươn om củ chuối hết sức hấp dẫn.

Tên củ chuối nhưng thật ra không hề “củ chuối”

Ốc xào củ chuối

Để làm món ăn này, củ chuối phải thái mỏng, ngâm nước chanh cho trắng và ra hết nhựa, cho vào nồi xào cùng với đậu phụ rán vàng, hành tỏi, ốc hột luộc chín nhể ra (có thể dùng ốc khác), thịt lợn ba chỉ ướp mẻ và nghệ, lát lốt, dọc mùng, khế, mắm tôm và một số gia vị khác… Món ăn này có mùi vị đậm đà, hương thơm tuyệt vời, có cứng có mềm, có bùi, hơi chua hơi chát, hơi cay hơi nhạt, ốc thì không bị tanh đem lại cảm giác thú vị khi thưởng thức.

Vừa rồi Đồng An Gia đã cùng bạn tìm hiểu một và công dụng và món ngon từ củ chuối. Có vẻ như không có sự liên hệ mật thiết nào giữa “anh chàng củ chuối” với củ chuối của cây cả. “Củ chuối” của các bạn trẻ thì khá là ngờ nghệch và vô dụng còn củ chuối mà chúng ta tìm hiểu trên đây trông thì có vẻ như chẳng có giá trị gì nhưng thật ra nếu biết cách chế biến thì không có gì trên cây chuối là không có giá trị cả. Nếu ai đó có bị bạn bè trêu chọc là “củ chuối” thì cũng đừng nên tự ti nhé, biết đâu đó lại là một lời khen bạn giống như là củ chuối, có vẻ như là không có tác dụng và không ai để ý tới nhưng nếu phát hiện ra tài năng của bạn thì ắt hẳn ai cũng phải trầm trồ đấy!

→ Xem thêm: 10 lợi ích không thể ngờ của quả chuối

Đồng An Gia Store cửa hàng cung cấp sỉ, lẻ các loại hạt dinh dưỡng tây nguyên, hạt ngũ cốc dinh dưỡng, đặc sản Gia Lai, trái cây sấy, cà phê nguyên chất, sữa đặc pha chế, hạt điều rang củi, thực phẩm chức năng… lấy chất lượng, sự hài lòng làm thước đo của độ uy tín và thành công của chúng tôi, hi vọng có thể được đồng hành cùng sức khỏe của bạn và gia đình bạn.

→ Xem thêm:

Apr

Sữa hạt macca có tác dụng gì?

Sữa hạt macca có tác dụng gì?

Apr

Mua sỉ hạt macca ở đâu tốt nhất cho dân kinh doanh

Mua sỉ hạt macca ở đâu tốt nhất cho dân kinh doanh

Apr

Kinh nghiệm mua hạt tiêu đen đảm bảo chất lượng với giá thành tốt nhất

Kinh nghiệm mua hạt tiêu đen đảm bảo chất lượng với giá thành tốt nhất